Hoạt động báo chí Phan_Thanh

Ngay từ khi còn học ở trường Quốc học, Phan Thanh đã say mê tìm đọc báo La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè) của Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn, tiếp đó là tờ L'Annam (Nước Nam) của Phan Văn Trường. Ông sớm trở thành cộng tác viên của L'Annam với bút hiệu Trạc Anh[14]. Cái tên Trạc Anh, theo bức thư Phan Thanh gửi cho Phan Nhụy, xuất phát từ câu "thanh tư trạc anh, trượt tư trạc túc", có nghĩa là "nước trong giặt giải mão, nước đục để rửa chân"[15].

Theo Phan Vịnh, hiện tại ông chỉ sưu tầm được ít nhất hai bài báo ký tên Trạc Anh (hay Trac Anh). Bài thứ nhất, "Que singulier réginme dans un collège?" (Một chế độ lạ lùng trong một trường trung học), viết về sự thay đổi tính cách của Bourotte khi từ một nhà giáo trở thành Giám đốc Trường Quốc học Huế, được đăng trên L'Annam năm 1926, khi ông mới 17 tuổi. Bài thứ hai, "Entrevien avec un fracais nouvellement débargué" (Nói chuyện với một người Pháp vừa cập bến), đăng trên L'Annam năm 1927, kể về cuộc đối thoại giữa Phan Thanh và một người Pháp tình cờ gặp vừa mới đến Việt Nam. Người Pháp này tự hào về "sứ mạng khai hóa văn minh" của nước Pháp đối với Việt Nam, và ngược lại, Phan Thanh lại dùng lý lẽ của mình để tố cáo nó: "Lúc nào đó, đấy là thái độ của Gandhi đối với nước Anh, và hiện nay đó là thái độ của chúng tôi đối với nước Pháp. Còn điều mà chúng tôi chống lại thì đó là sự áp bức và độc đoán"[16].

Bên cạnh đó, còn có ít nhất 25 bài báo ký tên Phan Thanh, được đăng trên L'écho Annamite của Nguyễn Phan Long xuất bản tại Sài Gòn. Các bài này đăng rải rác từ 1924-1930 (tập trung hai năm 1924-1925), đề cập đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đặc biệt là những việc ở Nam Kỳ. Phan Vịnh cho rằng tác giả của những bài báo này chưa chắc là Phan Thanh khi đó mới 15-16 tuổi, và cũng chưa có gì cho thấy Phan Thanh đã cộng tác với L'écho Annamite, khi ông còn đang chuẩn bị cộng tác với Phan Văn TrườngNguyễn An Ninh[17].

Khi ra Hà Nội cũng như khi hoạt động trong Mặt trận Dân chủ, Phan Thanh còn được cho là đã viết bài cho nhiều tờ báo, gồm các báo tiếng Pháp như Le Travail (Lao động), L'avant Garde (Tiền phong), Rassemblement (Tập hợp), Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta), Demain (Ngày mai), En avant (Tiến lên) hay các báo tiếng Việt như Dân chúng, Tin tức, Thời thế, Đời nay[18][19]. Nguyễn Vỹ còn cho thêm tờ Le Peuple vào danh sách này. Ngoài ra, theo tài liệu của Chánh mật thám Pháp Sogny, Phan Thanh còn có bài đăng trên La Vie Républicaine đả kích chỉnh phủ Nam triều. Cũng trong báo cáo của Sogny, Phan Thanh đã từng cùng Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Xuân Các (chủ nhiệm và quản lý) và Phan Đăng Lưu, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Khoa Văn, Bùi San... thảo luận về việc tổ chức lại báo Dân của Nguyễn Đan Quế vào tháng 6 và tháng 9 năm 1938; cũng như dành tiền ủng hộ cho quỹ báo Notre Voix (tuần báo của Đảng Cộng sản Đông Dương)[20].

Đặc biệt, khi tham gia Đảng Xã hội Pháp, ông cùng với Trần Đình Tri, Phan Tư Nghĩa và các đồng chí người Pháp của mình đứng ra xuất bản tờ Demain (Ngày mai), cơ quan ngôn luận chính thức của chi nhánh Đảng tại Bắc Đông Dương, vào tháng 11 năm 1938, trong đó tuyên bố "Demain là tờ báo của những người có thiện chí, của tất cả những người yêu chuộng công lý và nhân loại"[21].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phan_Thanh http://www.baodanang.vn/vn/hosotulieu/20479/index.... http://www.baodanang.vn/vn/hosotulieu/20752/index.... http://dantri.com.vn/c20/s134-196729/ky-ii-truong-... http://www.vnulib.edu.vn:8000/dspace/handle/123456... http://www.hoilhpn.org.vn/print.asp?newsid=2517 http://vietnamnet.vn/tulieu/2003/3/4993/ https://web.archive.org/web/20040818021653/http://... https://web.archive.org/web/20090505005325/http://... https://web.archive.org/web/20090827220652/http://...